Âm Nhạc, Chó và Mèo - Bạn đồng hành của lão ông mù bán nhang
Không chấp nhận người chồng mù, người vợ li dị rồi dắt con bỏ đi, ông lão gắng gượng vượt qua cảnh đời đen bạc nhưng rồi người ta ngạc nhiên thấy ông sống cuộc sống cô đơn nhưng không tẻ nhạt, thậm chí còn chơi đàn, thổi sáo, sáng tác, in đĩa nhạc... Đến khu Mả Lạng (phường Nguyễn Cư Trinh, Q.1) hỏi ông Châu mù bán nhang không ai không biết. Chẳng phải vì ông đã hành nghề ấy hơn 30 năm mà bởi ông còn là một ca sĩ, nhạc sĩ tài hoa, người làm cho xóm lao động nghèo bớt đi phần cô đơn, chật chội bằng âm nhạc của mình. Ông còn được mệnh danh là "nghệ sĩ xóm nghèo".
Trong ngôi nhà cũ kỹ, ông Châu ngồi soạn nhang chuẩn bị cho một ngày mưu sinh tất bật.
Cuộc sống chìm nổi cơ cực
Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Châu (66 tuổi) nằm tại con hẻm 245 trên đường Nguyễn Trãi. Thuở trước, cha ông theo nghiệp hàng hải, dẫn vợ con lang bạt khắp nơi, từ Vũng Tàu, Nha Trang đến Rạch Giá (Kiên Giang). Sau ngày đất nước thống nhất, làm kinh tế mới ở miền Trung thất bại, cả nhà ông mới quay về Sài Gòn, rồi phân tán đi khắp các quận, huyện.
Ông Châu đã có hơn 30 năm hành nghề bán nhang.
Nhang được ông Châu tự đi lấy sỉ ở đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận) rồi đem về chất đống trên gác, để dành bán dần dần.
Ông Châu bị mù sau một trận sốt phát ban từ hồi còn rất nhỏ. Kể từ đó, người đàn ông phải mưu sinh với đủ nghề khác nhau bằng đôi mắt không ánh sáng. Nhờ cơ duyên, ông làm nghề bán nhang vào năm 1983.
Trong một lần đi bán, ông Châu gặp rồi thương một người phụ nữ kém mình mười tuổi, đã có một đời chồng và hai đứa con riêng. Căn nhà bề ngang chỉ rộng vỏn vẹn 2 mét vuông lúc này trở thành nơi tá túc của 5 nhân khẩu, khi một năm sau người vợ sinh cho ông một đứa con trai kháu khỉnh. Tưởng cuộc sống sẽ thuận buồm xuôi gió thì thật chóng vánh, hai vợ chồng ông Châu nảy sinh mâu thuẫn. Khác nhau về quan điểm sống lẫn hình hài cơ thể, sau gần chục năm ăn ở với nhau, cô vợ dẫn các con riêng ra đi, để lại người chồng mù với đứa con trai tội nghiệp.
Không thấy đường nhưng ông Châu lấy nhang trên kệ rất nhanh nhẹn, vì đã thuộc làu từng ngóc ngách trong ngôi nhà.
Và đôi bàn tay se nhang cũng cực kỳ điêu luyện.
Gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến ông Châu không có nhiều thời gian gần gũi con trai, nên đứa bé sớm đi theo bạn bè xấu chơi bời lêu lỏng. Ngày hay tin con trai duy nhất của mình dính vào ma tuý, nghiện ngập, ông Châu như người mất hồn. “Khuyên bảo hết lời nhưng nó cãi lại, rồi bỏ ra ngoài cù bơ cù bất, đến khi hết tiền mới trở về. Tôi giận lắm, nên không đoái hoài gì nữa. Giờ nó muốn làm gì mặc kệ, tôi không quan tâm nó nữa” – ông Châu chua chát nói.
Giữa lúc ông Châu đang cô đơn cùng cực thì khoảng đầu năm 2000, cô con gái riêng của vợ tên Nguyễn Thị Thái Thanh (35 tuổi) bất ngờ trở về. Từ đây, hai cha con nương tựa lấy nhau. Chị Thanh đến giờ vẫn không lập gia đình để chăm sóc cha, còn ông Châu cũng dành hết tình thương cho đứa con gái không phải là máu mủ của mình.
Tự sáng tác, in đĩa hơn 50 bài hát
Trước đây cứ mỗi sáng sớm, ông Châu lại lần mò từ hẻm ra đường, kêu xe ôm đi bán nhang. Nhưng từ lúc bị một thanh niên đi xe máy ngược chiều va trúng làm gãy xương vai, ông Châu chỉ còn đủ sức làm việc một buổi. Địa bàn hoạt động của ông trải dài khắp nơi, khi ở quận 11, lúc lại ra Bình Thạnh. Có hôm ế quá, ông bắt xe xuống tận Mỹ Tho (Tiền Giang) bán luôn. Thường thì 100 thẻ nhang sẽ hết trong ngày, nhưng nếu còn dư, người đàn ông lại chui xuống gầm cầu hay bến xe ngủ qua đêm, hôm sau lại tiếp tục.
Giờ đây con gái riêng của vợ đảm nhiệm việc nấu nướng cho người cha mù.
Sau một ngày làm việc mệt nhọc, ông Châu ăn cơm một cách ngon lành. Ông ăn chay trường từ năm 1993 đến nay.
Hỏi chỉ lủi thủi một mình vậy sao chịu được, ông Châu cười, chỉ vào cây sáo treo trên tường: “Nó là bạn đường của tôi suốt mấy chục năm nay đó”. Đoạn ông đeo chiếc giỏ đầy nhang vào người, cầm khúc sáo cũ, thổi lên những bài buồn man mác. “Thuộc lòng thì khoảng 100 bài, còn chỉ thổi vài đoạn thì bài nào tôi cũng chơi được” – Ông Châu nói thêm.
Cây sáo là người bạn đồng hành thân thiết của ông Châu.
Thổi một bài nhạc buồn, bao kỷ niệm của tuổi trẻ trong ông chợt ùa về.
Những ngày vợ bỏ đi, con trai lại xa cách cha, ông Châu có thêm thời gian để chiêm nghiệm lẽ đời. Cũng từ đó, ông nối lại thú vui sáng tác mà mình đã bỏ dở thời trai trẻ, dù một bản thảo hay cái nốt nhạc ông còn chưa một lần thấy qua. Thay vào đó, người đàn ông cảm nhận cuộc sống bằng cảm xúc, học lởm người ta từng điệu hát, từng quãng bấm dây. Trời cho ông trí nhớ siêu đẳng, nên chẳng mấy chốc mà sáo hay guitar đều được ông chơi thành thạo. Có lẽ muốn tìm sự an vui nên hầu hết các bản nhạc mà ông sáng tác đều hướng về cõi Phật, về những tích truyện đề cao lòng chung thuỷ hay quan niệm cuộc sống trong gia đình.
Ông Châu đang tìm lại những đĩa CD bài hát do chính mình sáng tác và thể hiện. Ông cực kỳ tâm đắc những bài hát về triết lý đạo Phật, về chữ hiếu của mình như Nhờ lòng hiếu thảo, Vì chúng sinh mẹ còn làm Phật pháp, Mẹ đến cứu con.
Cứ thế, kho tàng nhạc của người đàn ông dày lên. Và đến hiện tại, ông đã có 5 đĩa CD với 55 bài hát tự sáng tác và thể hiện. “In ra để làm kỷ niệm vậy thôi chứ mình mù, lại không rành nhạc lý như người ta, sao dám đem ra bán buôn” – Ông Châu giải thích.
Và cây đàn organ 'thần thánh' xuất hiện
Đánh guitar, thổi sáo hoài nhưng ông Châu vẫn cứ thấy bài nhạc mình biểu diễn quá đơn điệu. Vậy là ba năm trước, ông dùng số tiền tằn tiện tích cóp sắm một cây đàn organ cũ. Góc nhỏ ngôi nhà từ đó lại có thêm một người bạn mới. Trên chiếc ghế bố đóng đầy bụi, từng ngón tay ông lão mù mân mê, đôi mắt nhắm chặt cảm nhận dư vì cuộc đời. Và ông hát, bằng tất cả đam mê, sức lực của người suốt cuộc đời đi tìm sự hoàn hảo, thanh tâm.
Những lúc cao hứng, ông Châu tự tay đàn hát. Chẳng qua một lớp đào tạo nào, tất cả kỹ năng âm nhạc đều do ông tự học.
Đôi bàn tay mân mê từng phím đàn.
Gần đây, ngôi nhà nhỏ trở nên náo nhiệt hơn khi chị Thanh đem về nhà một cặp chó mèo. Lạ lùng là lúc nào ông Châu đàn hát, hai con vật tinh nghịch lại chạy đến quấn quýt bên ông để lắng nghe. Có chúng, ông Châu như trẻ ra chục tuổi, bao mệt nhọc của một ngày đi bán tan biến hết khi ông tự tay vuốt ve từng con, tự tay cho chúng ăn.
Cặp chó mèo - đôi bạn mới của ông lão bán nhang.
Ở cái tuổi mà nhiều người đã xuống sức, thậm chí đổ bệnh triền miên, ông Châu vẫn còn rất khoẻ mạnh, lại còn là trụ cột chi tiêu chính trong gia đình. Ông coi đó như một đặc ân mà ơn trên bù đắp khi lấy đi đôi mắt của mình. Vì thế mà khi nghe hỏi có khi nào mơ ước được sáng mắt lại chưa, ông Châu lắc đầu nguầy nguậy: “Ước thì mắt cũng có sáng lại đâu. Miễn được làm người lương thiện, làm điều mình thích thì mù hay không mù chẳng còn quan trọng”.
Âm nhạc giúp ông Châu mạnh mẽ vượt qua mọi sóng gió cuộc đời. Và chắc chắn ông sẽ còn sáng tác nhiều bài hát nữa.
Có lẽ trong giây phút ấy, ông chợt nhớ lại cậu con trai ruột bao lần làm ông phiền lòng. Mỗi lần như vậy, ông lại lấy nhạc làm vui. Tiếng đàn organ lại có dịp vang lên, phá đi thanh điệu u buồn của cuộc sống. Ngoài kia bao thứ hỗn tạp, bao người bon chen, đấu đá lẫn nhau, mấy ai thanh thản, sáng suốt như ông lão mù này.
Trong ngôi nhà cũ kỹ, ông Châu ngồi soạn nhang chuẩn bị cho một ngày mưu sinh tất bật.
Cuộc sống chìm nổi cơ cực
Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Châu (66 tuổi) nằm tại con hẻm 245 trên đường Nguyễn Trãi. Thuở trước, cha ông theo nghiệp hàng hải, dẫn vợ con lang bạt khắp nơi, từ Vũng Tàu, Nha Trang đến Rạch Giá (Kiên Giang). Sau ngày đất nước thống nhất, làm kinh tế mới ở miền Trung thất bại, cả nhà ông mới quay về Sài Gòn, rồi phân tán đi khắp các quận, huyện.
Ông Châu đã có hơn 30 năm hành nghề bán nhang.
Nhang được ông Châu tự đi lấy sỉ ở đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận) rồi đem về chất đống trên gác, để dành bán dần dần.
Ông Châu bị mù sau một trận sốt phát ban từ hồi còn rất nhỏ. Kể từ đó, người đàn ông phải mưu sinh với đủ nghề khác nhau bằng đôi mắt không ánh sáng. Nhờ cơ duyên, ông làm nghề bán nhang vào năm 1983.
Trong một lần đi bán, ông Châu gặp rồi thương một người phụ nữ kém mình mười tuổi, đã có một đời chồng và hai đứa con riêng. Căn nhà bề ngang chỉ rộng vỏn vẹn 2 mét vuông lúc này trở thành nơi tá túc của 5 nhân khẩu, khi một năm sau người vợ sinh cho ông một đứa con trai kháu khỉnh. Tưởng cuộc sống sẽ thuận buồm xuôi gió thì thật chóng vánh, hai vợ chồng ông Châu nảy sinh mâu thuẫn. Khác nhau về quan điểm sống lẫn hình hài cơ thể, sau gần chục năm ăn ở với nhau, cô vợ dẫn các con riêng ra đi, để lại người chồng mù với đứa con trai tội nghiệp.
Không thấy đường nhưng ông Châu lấy nhang trên kệ rất nhanh nhẹn, vì đã thuộc làu từng ngóc ngách trong ngôi nhà.
Và đôi bàn tay se nhang cũng cực kỳ điêu luyện.
Gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến ông Châu không có nhiều thời gian gần gũi con trai, nên đứa bé sớm đi theo bạn bè xấu chơi bời lêu lỏng. Ngày hay tin con trai duy nhất của mình dính vào ma tuý, nghiện ngập, ông Châu như người mất hồn. “Khuyên bảo hết lời nhưng nó cãi lại, rồi bỏ ra ngoài cù bơ cù bất, đến khi hết tiền mới trở về. Tôi giận lắm, nên không đoái hoài gì nữa. Giờ nó muốn làm gì mặc kệ, tôi không quan tâm nó nữa” – ông Châu chua chát nói.
Giữa lúc ông Châu đang cô đơn cùng cực thì khoảng đầu năm 2000, cô con gái riêng của vợ tên Nguyễn Thị Thái Thanh (35 tuổi) bất ngờ trở về. Từ đây, hai cha con nương tựa lấy nhau. Chị Thanh đến giờ vẫn không lập gia đình để chăm sóc cha, còn ông Châu cũng dành hết tình thương cho đứa con gái không phải là máu mủ của mình.
Tự sáng tác, in đĩa hơn 50 bài hát
Trước đây cứ mỗi sáng sớm, ông Châu lại lần mò từ hẻm ra đường, kêu xe ôm đi bán nhang. Nhưng từ lúc bị một thanh niên đi xe máy ngược chiều va trúng làm gãy xương vai, ông Châu chỉ còn đủ sức làm việc một buổi. Địa bàn hoạt động của ông trải dài khắp nơi, khi ở quận 11, lúc lại ra Bình Thạnh. Có hôm ế quá, ông bắt xe xuống tận Mỹ Tho (Tiền Giang) bán luôn. Thường thì 100 thẻ nhang sẽ hết trong ngày, nhưng nếu còn dư, người đàn ông lại chui xuống gầm cầu hay bến xe ngủ qua đêm, hôm sau lại tiếp tục.
Giờ đây con gái riêng của vợ đảm nhiệm việc nấu nướng cho người cha mù.
Sau một ngày làm việc mệt nhọc, ông Châu ăn cơm một cách ngon lành. Ông ăn chay trường từ năm 1993 đến nay.
Hỏi chỉ lủi thủi một mình vậy sao chịu được, ông Châu cười, chỉ vào cây sáo treo trên tường: “Nó là bạn đường của tôi suốt mấy chục năm nay đó”. Đoạn ông đeo chiếc giỏ đầy nhang vào người, cầm khúc sáo cũ, thổi lên những bài buồn man mác. “Thuộc lòng thì khoảng 100 bài, còn chỉ thổi vài đoạn thì bài nào tôi cũng chơi được” – Ông Châu nói thêm.
Cây sáo là người bạn đồng hành thân thiết của ông Châu.
Thổi một bài nhạc buồn, bao kỷ niệm của tuổi trẻ trong ông chợt ùa về.
Những ngày vợ bỏ đi, con trai lại xa cách cha, ông Châu có thêm thời gian để chiêm nghiệm lẽ đời. Cũng từ đó, ông nối lại thú vui sáng tác mà mình đã bỏ dở thời trai trẻ, dù một bản thảo hay cái nốt nhạc ông còn chưa một lần thấy qua. Thay vào đó, người đàn ông cảm nhận cuộc sống bằng cảm xúc, học lởm người ta từng điệu hát, từng quãng bấm dây. Trời cho ông trí nhớ siêu đẳng, nên chẳng mấy chốc mà sáo hay guitar đều được ông chơi thành thạo. Có lẽ muốn tìm sự an vui nên hầu hết các bản nhạc mà ông sáng tác đều hướng về cõi Phật, về những tích truyện đề cao lòng chung thuỷ hay quan niệm cuộc sống trong gia đình.
Ông Châu đang tìm lại những đĩa CD bài hát do chính mình sáng tác và thể hiện. Ông cực kỳ tâm đắc những bài hát về triết lý đạo Phật, về chữ hiếu của mình như Nhờ lòng hiếu thảo, Vì chúng sinh mẹ còn làm Phật pháp, Mẹ đến cứu con.
Cứ thế, kho tàng nhạc của người đàn ông dày lên. Và đến hiện tại, ông đã có 5 đĩa CD với 55 bài hát tự sáng tác và thể hiện. “In ra để làm kỷ niệm vậy thôi chứ mình mù, lại không rành nhạc lý như người ta, sao dám đem ra bán buôn” – Ông Châu giải thích.
Và cây đàn organ 'thần thánh' xuất hiện
Đánh guitar, thổi sáo hoài nhưng ông Châu vẫn cứ thấy bài nhạc mình biểu diễn quá đơn điệu. Vậy là ba năm trước, ông dùng số tiền tằn tiện tích cóp sắm một cây đàn organ cũ. Góc nhỏ ngôi nhà từ đó lại có thêm một người bạn mới. Trên chiếc ghế bố đóng đầy bụi, từng ngón tay ông lão mù mân mê, đôi mắt nhắm chặt cảm nhận dư vì cuộc đời. Và ông hát, bằng tất cả đam mê, sức lực của người suốt cuộc đời đi tìm sự hoàn hảo, thanh tâm.
Những lúc cao hứng, ông Châu tự tay đàn hát. Chẳng qua một lớp đào tạo nào, tất cả kỹ năng âm nhạc đều do ông tự học.
Đôi bàn tay mân mê từng phím đàn.
Gần đây, ngôi nhà nhỏ trở nên náo nhiệt hơn khi chị Thanh đem về nhà một cặp chó mèo. Lạ lùng là lúc nào ông Châu đàn hát, hai con vật tinh nghịch lại chạy đến quấn quýt bên ông để lắng nghe. Có chúng, ông Châu như trẻ ra chục tuổi, bao mệt nhọc của một ngày đi bán tan biến hết khi ông tự tay vuốt ve từng con, tự tay cho chúng ăn.
Cặp chó mèo - đôi bạn mới của ông lão bán nhang.
Ở cái tuổi mà nhiều người đã xuống sức, thậm chí đổ bệnh triền miên, ông Châu vẫn còn rất khoẻ mạnh, lại còn là trụ cột chi tiêu chính trong gia đình. Ông coi đó như một đặc ân mà ơn trên bù đắp khi lấy đi đôi mắt của mình. Vì thế mà khi nghe hỏi có khi nào mơ ước được sáng mắt lại chưa, ông Châu lắc đầu nguầy nguậy: “Ước thì mắt cũng có sáng lại đâu. Miễn được làm người lương thiện, làm điều mình thích thì mù hay không mù chẳng còn quan trọng”.
Âm nhạc giúp ông Châu mạnh mẽ vượt qua mọi sóng gió cuộc đời. Và chắc chắn ông sẽ còn sáng tác nhiều bài hát nữa.
Có lẽ trong giây phút ấy, ông chợt nhớ lại cậu con trai ruột bao lần làm ông phiền lòng. Mỗi lần như vậy, ông lại lấy nhạc làm vui. Tiếng đàn organ lại có dịp vang lên, phá đi thanh điệu u buồn của cuộc sống. Ngoài kia bao thứ hỗn tạp, bao người bon chen, đấu đá lẫn nhau, mấy ai thanh thản, sáng suốt như ông lão mù này.